Các câu hỏi thường gặp

NHÓM CÂU HỎI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH

Vì sao học phí của trường Montessori đắt hơn so với các trường khác?

  • Chi phí để tổ chức và vận hành các lớp học Montessori thường cao hơn so với các lớp học truyền thống vì các giáo viên Montessori phải được đào tạo và cấp chứng chỉ, chi phí mua giáo cụ và nội thất bắt mắt để trang bị cho lớp học Montessori cũng cao hơn so với lớp học truyền thống.
  • Mức học phí của trường Montessori phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các thành phần khác nhau khi vận hành trường ví như: chi phí nhà đất, lương giáo viên, quy mô trường, chương trình giảng dạy …

Nhà trường có tăng học phí hàng năm không?

  • Nhà trường có tăng học phí hàng năm nhưng không quá 10%.
  • Nhà trường sẽ gửi thông báo về việc tăng học phí cho Phụ huynh tối thiểu 3 tháng trước khi áp dụng chính thức.

Nhà trường có hoàn học phí trong trường hợp con nghỉ học không?

  • Nhà trường hoàn phí trong trường hợp học sinh nghỉ dài ngày và thời gian nghỉ liên tiếp từ 2 tuần đến 1 tháng.
  • Trong thời gian tạm nghỉ, học sinh sẽ được bảo lưu 50% học phí. Phần học phí bảo lưu sẽ được khấu trừ vào học phí các kỳ tiếp theo khi học sinh quay lại trường.

Nhà trường có chính sách giảm học phí không?

  • Nhà trường có chính sách giảm giá từ 3-8% cho học sinh đóng học phí từ 2 kỳ trở lên/lần. Ưu đãi này chỉ được áp dụng khi đóng học phí đầy đủ theo quy định của chính sách tài chính
  • Ngoài ra, nhà trường còn có chính sách giảm giá 10% học phí cho trẻ thứ 2 là anh em ruột đang học tại hệ thống trường mầm non Safari Montessori, trường phổ thông liên cấp The Dewey Schools. Trường hợp 3 trẻ trở lên, vui lòng liên hệ nhà trường để biết thêm chi tiết.

Tại sao con nghỉ hè 2 tuần tháng 7 vẫn phải đóng học phí đủ cả tháng?

  • Nhà trường hoạt động dựa trên ngân sách học phí cả năm và được chia đều cho các tháng. Khi xây dựng học phí, chúng tôi đã tính toán mức học phí không bao gồm các ngày nghỉ lễ tết đồng thời vẫn đảm bảo chi phí tiền lương trả cho giáo viên 100% các ngày nghỉ này vì vậy nhà trường không có chính sách hoàn học phí 2 tuần nghỉ hè.

NHÓM CÂU HỎI VỀ DINH DƯỠNG, CHĂM SÓC

Trường có bếp riêng hay không? Nguồn cung cấp thực phẩm như thế nào?

Nhà trường có bếp ăn riêng và tập trung:

  • Khu bếp nấu của SMA: 250m2

Nguồn cung cấp thực phẩm của SMA lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận An toàn thực phẩm.

  • Các lọai thịt gia cầm: hưu cơ Nhật EMRO – Trang trại Giang Nam, Bắc Ninh
  • Các loại thịt gia súc: sinh học non – GMO – Công ty Thực phẩm Revofood, Hưng Yên
  • Cá loại rau củ quả: trang trại Hoa Viên – Rau Đại Ngàn, Hà Nội; Tomita Profarm, Hà Nội..
  • Trứng Gà sạch, chuẩn Nhật – Tamago
  • Cá/hải sản: tự nhiên, chất lượng cao – Công ty kinh doanh thủy hải sản Khánh Phú Quốc.
  • Các loại gia vị: Dầu ăn hướng dương hữu cơ Nga, Nước mắm Thuyền Nan, đường Thốt Nốt …
  • Các loại sữa nhập khẩu oldenburger, sữa chua Vinamilk, sữa chua uống yakul …
  • Các loại trái cây vùng miền: Hợp tác xã trồng và xuất khẩu hoa quả ở các vựa trái cây lớn: Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận…

Chế độ ăn uống, dinh dưỡng dành cho trẻ nhóm 0-3 và 3-6 khác nhau như thế nào?

  • Cả 2 nhóm trẻ đều có 3 bữa ăn/ngày gồm: bữa sáng, bữa trưa và bữa phụ chiều.
  • Mỗi tuần trẻ sẽ có ít nhất 3 bữa sữa chua, 3 bữa sữa tươi và các loại nước ép, sinh tố khác…
  • Hoa quả tráng miệng có trong thực đơn hàng ngày của trẻ.
  • Đối với nhóm lớp 0~3 tuổi, thực đơn bao gồm cháo hoặc cơm để Phụ huynh lựa chọn.
  • Nhà trường sử dụng thực phẩm hữu cơ, thực phẩm thuận tự nhiên … để chế biến trong các bữa ăn hàng ngày của trẻ. Thực đơn nhà trường xây dựng dựa trên quy chuẩn dinh dưỡng theo quy định của bộ GD&DT và sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản đảm bảo đầy đủ chất và lượng.

Trẻ trong lứa tuổi 0~2 được hướng dẫn về việc đi vệ sinh như thế nào?

  • Giáo viên tập luyện cho trẻ đi vào giờ cố định, khoảng 20~30 phút lại cho trẻ vào WC 1 lần để tạo dần thói quen cho trẻ. Ngoài ra, giáo viên phải chủ động nhắc trẻ vì ở tuổi này trẻ hoàn toàn chưa tự chủ động đi được và chưa biết nói. Ở nhà Phụ huynh kết hợp để tập cho con có thói quen đi vệ sinh vào bồn vệ sinh để con dần quen với việc khi muốn đi vệ sinh là vào nhà vệ sinh.

NHÓM CÂU HỎI VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Phương pháp giáo dục Montessori là gì?

  • Là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học thông qua các giác quan.
  • Phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trẻ được học tập trong một môi trường đã được chuẩn bị sẵn, thông qua các giáo cụ trực quan được thiết kế đặc biệt và dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của các giáo viên đã được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn.
  • Lớp học không phân biệt độ tuổi (học trộn lẫn 15th~2,5 tuổi và 2,5 tuổi ~ 6 tuổi)
  • Trẻ được tự do lựa chọn hoạt động phù hợp với nhu cầu phát triển và sở thích.
  • Giáo viên quan sát và định hướng trẻ theo khả năng của từng trẻ để từ đó khơi dậy tiềm năng sẵn có của trẻ.

Ưu điểm của PPGD Montessori?

  • Giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về thể chất, kỹ năng xã hội, tình cảm, thẩm mỹ và nhận thức thông qua các bài học và hoạt động.
  • Tạo cho trẻ ý thức độc lập, tự kỷ luật, khả năng tập trung và sự nhạy bén với môi trường xung quanh.
  • Tạo điều kiện để trẻ tự do theo đuổi kiến thức và kỹ năng phù hợp nhất với sự phát triển của bản thân. Khơi dậy được sự ham thích học tập vốn có của trẻ.
  • Phát triển sự tự tin. Khả năng tư duy, sáng tạo.
  • Rèn luyện tính kiên nhẫn, quyết tâm thực hiện công việc đã lựa chọn đến cùng.
  • Có chứng kiến chủ quan, độc lập, khả năng phán đoán, tự giải quyết vấn đề
  • Biết quan tâm đến cộng đồng xung quanh, biết giúp đỡ, chia sẻ

Chương trình Montessori đối với trẻ 15 tháng – 2.5 tuổi như thế nào?

Trẻ được học và thực hành các hoạt động thông qua các lĩnh vực như:

  • Thực hành cuộc sống: hướng tới việc hỗ trợ sự phát triển tính độc lập của trẻ, thông qua 4 kỹ năng tự lập: ăn, ngủ, thay trang phục và đi vệ sinh. Trẻ học cách để phục vụ bản thân và dần có ý thức chăm sóc môi trường xung quanh như: tưới cây, lau lá … Bên cạnh đó trẻ được trải nghiệm với các giáo cụ phát triển vận động thô và tinh, là nền tảng cho các hoạt động học thuật sau này.
  • Giác quan: giáo cụ được thiết kế để giúp trẻ trải nghiệm sự kích thích mà trẻ nhận được thông qua từng giác quan riêng biệt: thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác, vị giác.
  • Ngôn ngữ: hướng đến việc phát triển ngôn ngữ tự nhiên thông qua giao tiếp và các giáo cụ trực quan, gần gũi đời sống. Trẻ được làm phong phú vốn từ thông qua liên kết giữa vật thể thực tế và ngôn ngữ phù hợp, các hoạt động âm nhạc, đọc thơ và truyện.
  • Vận động: kỹ năng giữ thăng bằng; phát triển sức mạnh của cơ tay, chân; rèn luyện độ dẻo dai và sự khéo léo; phối hợp vận động.
  • Đóng vai: trẻ được hóa thân vào các nhân vật trong đời sống như bố mẹ, anh chị, bác sĩ … phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội, điều chỉnh cảm xúc phù hợp với đóng vai. Bên cạnh đó trẻ cũng có cơ hội vận dụng, thực hành các kỹ năng cuộc sống như: mặc trang phục, giày dép …

 

Chương trình Montessori đối với trẻ 2.5 -6 tuổi như thế nào?

  • Thực hành cuộc sống: trẻ nhỏ cần học hỏi nhiều kỹ năng sống để hình thành tính tự lập. Việc tôn trọng khao khát của trẻ muốn được tự mình làm các công việc phục vụ bản thân chính là điểm mấu chốt trong triết lý của Montessori. Thực hành cuộc sống được phát triển toàn vẹn và đầy đủ:
    • Phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội
    • Kiểm soát và phối hợp vận động
    • Thực hiện các hoạt động cơ bản
    • Kỹ năng chăm sóc bản thân
    • Quan tâm đến môi trường xung quanh.
  • Hoạt động giác quan: giáo cụ được thiết kế để giúp trẻ trải nghiệm sự kích thích mà trẻ nhận được thông qua từng giác quan riêng biệt: thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác, vị giác.
  • Toán học: Trẻ hiểu các biểu tượng toán, khái niệm về lượng trong toán thông qua các hoạt động với giáo cụ trong lĩnh vực toán. Ngoài ra, khi làm việc với các giáo cụ trong lĩnh vực toán, trẻ phát triển khả năng tư duy, suy luận, trẻ hiểu rõ một quá trình thông qua việc làm hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần.
  • Ngôn ngữ: Những giáo cụ trong lĩnh vực ngôn ngữ được tổ chức theo trình tự phát triển tự nhiên của trẻ.
    • Phát triển ngôn ngữ nói: tăng cường vốn từ vựng của trẻ, trải nghiệm ngôn ngữ nói
    • Phát triển ngôn ngữ viết: nhận thức về âm đơn, kỹ năng cầm bút viết
    • Phát triển ngôn ngữ đọc: âm đơn, âm ghép và chức năng của từ
  • Văn hóa: Khoa học, Địa lý, Lịch sử

Các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trẻ được tiếp xúc trực tiếp với những vật cụ thể, mô hình sống động khơi gợi ở trẻ niềm đam mê, cảm hứng tích cực với việc khám phá khoa học, tìm hiểu môi trường xung quanh.

  • Khoa học: niềm đam mê khoa học ở trẻ được hình thành khi trẻ được tự do làm việc với các giáo cụ trực quan về thế giới sinh vật sống động, vũ trụ bao la luôn lôi cuốn trẻ tìm tòi, khám phá.
  • Địa lý: Học và nhận biết hình dạng, đặc điểm, vị trí, tên gọi các châu lục, các dạng địa hình đất và nước, trẻ lĩnh hội một cách dễ dàng khi làm việc với các giáo cụ sinh động.
    • Xác định tay trái tay phải, xác định phương hướng, nhận biết về đất, nước và không khí
    • Tìm hiểu bản đồ học
    • Nhận biết các hình thái đất và nước
  • Lịch sử: Khái niệm lịch sử gắn liền với khái niệm thời gian. Trẻ được làm việc với các giáo cụ liên quan đến thời gian.
    • Khái niệm về thời gian
    • Sử dụng thời gian
    • Thời tiền sử và các mốc thời gian
    • Lịch sử và nhu cầu của con người
  • Âm nhạc: Trẻ em luôn quan sát kỹ thế giới xung quanh. Chúng trải nghiệm cuộc sống và nhìn nhận vấn đề theo nhiều cách. Tất cả các trò chơi âm nhạc, điệu múa, các bài hát cần thiết cho một đứa trẻ phát triển khả năng tiềm ẩn của chúng.
  • Nghệ thuật: Phát triển kĩ năng vận động và độ khéo léo của bàn tay, bên cạnh đó trẻ được thỏa sức thể hiện trí sáng tạo nghệ thuật thông qua các sản phẩm cá nhân
  • Vận động: Kĩ năng giữ thăng bằng
    • Phát triển sức mạnh của cơ tay, chân
    • Rèn luyện độ dẻo ai và sư khéo léo
    • Phối hợp vận động

Sau khi tốt nghiệp trường Montessori, trẻ có thể thích nghi với môi trường học tập tại các trường tư thục hay truyền thống không?

  • Sẽ không có điều gì gây khó khăn cho những đứa trẻ từ các trường Montessori chuyển sang các trường truyền thống. Có thể 1 số trẻ sẽ thấy nhàm chán, những trẻ khác có thể sẽ không hiểu tại sao mọi người trong một lớp học phải làm những việc giống nhau. Tuy nhiên, hầu hết trẻ đều thích nghi với môi trường mới một cách nhanh chóng, kết bạn và thành công.
  • Trên thực tế, học sinh của SMA đã tốt nghiệp đang tham gia học rất nhiều các trường Quốc tế, Song ngữ, trường chuyên, trường công và nhà trường nhận được sự đánh giá tốt về kết quả học tập của các bạn tại trường học cấp tiểu học.